Loading...
Chúng tôi nhận đóng gia công thuốc thủy sản và các sản phẩm cho Cá cảnh!
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Vui Lòng Liên Hệ
0916. 352 781
Mr. Lễ - KINH DOANH
SẢN PHẨM BÁN CHẠY
  • BIO GUARD

  • CHẾ PHẨM EM GỐC

  • EDTA MAX

  • VITAMIN C

  • FISHNERAL

  • BiO Aqua

  • VI SINH XỬ LÝ NẤM CÁ CẢNH

  • IODINE

  • IODINE

  • VI SINH XỬ LÝ PHÈN

  • VI SINH XỬ LÝ PHÈN

  • Enzyme

  • VITAMIN C200 (C tạt)

  • VITAC (C tạt)

  • DIỆT KHUẨN PRO

  • DIỆT KHUẨN PRO

  • DIỆT KHUẨN 10X

  • DIỆT KHUẨN N&N

  • DIỆT KHUẨN N&N

  • AQUA PINE

  • BIO AQUA

  • DECIN

  • DEFENDER

  • KHOÁNG TẠT 2N

  • INO2 (W)

  • INO2

  • SUPER YUCCA

  • BIO WATER

  • VITAMIN C200

  • INHIBAC

  • DENSAMIN

  • MINER FEED (KHOÁNG TRỘN ĂN)

  • NN-WEIGHT

  • VITA C

  • NN ONE

  • LIVERA

  • NN ONEPI

  • MILK 500 (KHOÁNG TRỘN ĂN)

Quảng Trị: Chuẩn bị bước vào vụ nuôi thủy sản (22/3/2018)

“8.500 tấn là sản lượng nuôi trồng thủy sản ngành Nông nghiệp Quảng Trị phấn đấu đạt được trong năm 2018. Ngay từ đầu năm, các hoạt động chuẩn bị cho việc nuôi trồng đã được nông dân tập trung triển khai”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh.

Sử dụng cơ giới để đẩy nhanh tốc độ cải tạo ao nuôi thủy sản

Tại HTX Đông Giang 2 (phường Đông Giang, TP. Đông Hà) vào thời điểm này, người dân đang thuê máy tu sửa lại ao nuôi, đắp bờ, rắc vôi bột cải tạo ao hồ, lấy nước để chuẩn bị thả tôm giống. Đến thăm gia đình anh Hoàng Kim Thảo đúng lúc anh đang hướng dẫn máy múc vét bùn đáy, tu sửa lại bờ ao chuẩn bị thả nuôi vụ tôm mới. Anh Thảo cho biết, với 2 ao nuôi hơn 7.000 m2 , nhờ làm tốt các khâu chăm sóc, phòng dịch bệnh cho tôm nên năm vừa rồi anh thu hoạch được gần 5 tấn tôm thương phẩm, trừ chi phí còn lãi hơn 300 triệu đồng. Làm ăn có lãi, vụ này, anh tiếp tục đầu tư nạo vét, tu sửa, gia cố ao nuôi để giữa tháng 4 thả nuôi vụ mới. Cách đó không xa, dù đang bận rộn với việc sửa sang ao hồ để chuẩn bị thả giống, ông Hoàng Bê vẫn vui vẻ góp chuyện: “Năm ngoái, chỉ với 3.800 m2 ao nuôi, tôi thu về gần 1,7 tấn tôm thương phẩm, với giá bán 200.000 đồng/kg trừ chi phí còn lãi hơn 150 triệu đồng. Thắng lớn nên năm 2018 này tôi tiếp tục đầu tư. Mọi công đoạn đều đã được chuẩn bị kỹ càng, nhất là khâu cải tạo ao nuôi vì đây là khâu rất quan trọng. Mấy ngày nay, tôi đã thuê máy múc về tu sửa lại ao nuôi, bón vôi diệt khuẩn, đồng thời báo với HTX đặt hàng trước tôm giống để đảm bảo có được những con giống chất lượng nhất về thả nuôi. Đến nay công tác chuẩn bị ao nuôi đã sẵn sàng, chỉ còn chờ thời tiết thuận lợi, nước mặn lên là tiến hành cấp nước và thả giống nuôi”.

Năm 2018, HTX Đông Giang 2 có kế hoạch đưa vào thả nuôi khoảng 6 - 7 triệu con tôm sú, thẻ chân trắng trên diện tích khoảng gần 21 ha. Để phấn đấu đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, ngày từ đầu vụ, HTX đã vận động nông dân nâng cấp bờ bao, hệ thống cống, cải tạo ao nuôi, bảo đảm các yếu tố môi trường nước, đất ao phù hợp với con nuôi, chọn mua tôm giống của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, đã qua kiểm tra, kiểm dịch, thả nuôi, chăm sóc tôm đúng theo hướng dẫn kỹ thuật.

Ông Hoàng Văn Cường, Phó giám đốc HTX Đông Giang 2 cho biết, từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, các hộ nuôi đã tiến hành tháo khô phơi đáy ao, rải vôi bột để trung hòa pH đất... Hiện nay, các hộ nuôi đang tập trung cải tạo ao nuôi, dự kiến đầu tháng 4/2018 bắt đầu lấy nước vào và tiến hành thả giống tôm, phấn đấu đến hết tháng 4/2018 hoàn thành việc thả giống. Năm nay, do nhận thức được tầm quan trọng của công tác cải tạo ao, hồ trong quá trình sinh trưởng của tôm nên người dân đã đầu tư thời gian, kinh phí để cải tạo ao, hồ nhiều hơn. HTX cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho các hộ nuôi tôm, hướng dẫn phương thức nuôi, phương pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh cho con nuôi, triển khai các văn bản pháp quy của nhà nước về nuôi trồng thủy sản. “Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ tổ chức họp các tổ nuôi tôm cộng đồng để thống nhất quy chế của vụ nuôi này như mua tôm giống ở đâu, kiểm tra chất lượng con giống như thế nào, thả giống vào thời điểm nào, mật độ thả nuôi bao nhiêu, áp dụng các chế tài nếu các hộ nuôi tôm không thực hiện đúng quy chế mà tổ nuôi tôm cộng đồng đã thông qua”, ông Cường cho biết thêm.

Còn tại thôn Long Hưng (xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) nơi có nghề ương cá giống và nuôi cá thịt rất phát triển, thời điểm này nông dân cũng đang tập trung chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới. Những ngày này, gia đình ông Trần Kim Tuyến đang thuê máy, nhân công tiến hành cày đất, đắp bờ ao nuôi, chuẩn bị các điều kiện cho vụ nuôi mới. Trên diện tích 1 ha, gia đình ông phân thành 3 ao ương nuôi cá giống và 1 ao nuôi cá thịt. Các ao được sắp xếp khoa học, hợp lý, đầu tư trang thiết bị... đảm bảo quy trình nuôi đúng kỹ thuật. Ông Tuyến cho biết: “Hàng năm, từ nuôi cá giống và cá thịt gia đình tôi thu về khoảng trên dưới 200 triệu đồng. Thấy hiệu quả nên năm nay ngay từ đầu vụ gia đình tôi đã tập trung cải tạo ao nuôi. Dự kiến vài ngày tới sẽ tiến hành thả cá bột để ương nuôi”.

Còn ông Văn Quang, trú tại thôn Long Hưng chia sẻ, với gần 5 tạ cá bố mẹ các loại như trắm cỏ, mè, chép… hàng năm ông cung cấp cho thị trường gần 15 triệu con cá bột và hàng chục vạn con cá giống, trừ chi phí ông thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng. Năm 2018, tranh thủ thời tiết thuận lợi ngay từ đầu năm ông đã tiến hành lau chùi bể cho cá đẻ và cải tạo lại ao ương cá giống. “Dự kiến trong mấy ngày tới, khi có nước thủy lợi về, tôi sẽ bắt tay vào cho cá đẻ để cung cấp cho các hộ nuôi trong vùng”, ông Quang cho biết.

Theo ông Văn Viết Kỳ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Phú, Hải Lăng, từ hiệu quả của việc nuôi cá nước ngọt, những năm qua xã Hải Phú khuyến khích người dân chuyển đổi một số diện tích đất ruộng sâu, kém hiệu quả, tận dụng vùng đầm lầy và vùng cát hoang hóa... để đào ao xây dựng mô hình nuôi cá nước ngọt. Hiện toàn xã có hơn 65 ha diện tích ao hồ nuôi cá, mỗi năm xuất bán ra thị trường trên 200 tấn cá thương phẩm, góp phần nâng tổng giá trị thủy sản hàng năm của xã lên gần 10 tỷ đồng. Ngoài việc nuôi cá thương phẩm, nhiều hộ gia đình đã xây dựng mô hình nuôi cá giống để cung cấp nguồn giống cho người có nhu cầu nuôi trong tỉnh.

Rời Hải Phú, chúng tôi về xã Hải Tân, huyện Hải Lăng nơi có nghề nuôi cá lồng phát triển nhiều nhất tỉnh. Tại thôn Văn Trị, xã Hải Tân, hàng chục hộ nuôi cá lồng đang khẩn trương làm mới, sửa chữa hệ thống lồng bè để chuẩn bị cho mùa nuôi trồng mới. Anh Phạm Văn Thiện, một người sống bằng nghề nuôi cá lồng cho biết: “Để chuẩn bị cho vụ nuôi mới, sau tết chúng tôi bắt tay ngay vào công việc, tập trung nuôi nhiều loại cá như chình, trắm cỏ, trê, leo… Trung bình mỗi lồng cá cho thu nhập từ 20 - 70 triệu đồng/vụ nuôi. Chờ thời tiết ấm lên, chúng tôi sẽ tiếp tục thả giống một số lồng mới, đánh tỉa thả bù các lồng đã đạt kích cỡ thương phẩm.

Năm 2018, kế hoạch nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 3.100 ha, tổng sản lượng 8.500 tấn, trong đó nuôi nước ngọt 2.100 ha, nuôi mặn lợ 1.000 ha. Nhiều năm qua, nghề nuôi thủy sản của tỉnh phát triển khá mạnh, nhiều mô hình có hiệu quả được nhân rộng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi tôm của một số người dân chưa nghiêm. Một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm lịch thời vụ, chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật, con giống chưa được kiểm dịch trước khi thả nuôi, xử lý ao nuôi không bảo đảm yêu cầu, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, do đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi.

Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết, năm nay, ngay từ đầu vụ nuôi, việc đầu tư, nâng cấp ao, hồ của các hộ dân được quan tâm hơn, hệ thống công trình nuôi đã dần đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật. Để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tuyên truyền, phổ biến lịch thời vụ đến người nuôi thủy sản trên địa bàn, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật cải tạo ao nuôi, cách chọn tôm giống sạch bệnh, cách chăm sóc và quản lý tốt môi trường ao nuôi. Đồng thời tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, cung ứng tôm giống trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước trong việc sản xuất và kinh doanh tôm giống. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học phải đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định, không bán các loại hóa chất, kháng sinh cấm… Tăng cường kiểm soát nguồn tôm giống, kiên quyết xử lý các trường hợp tôm giống không rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch.

Đồng thời, để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, theo kế hoạch Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, quan tâm đầu tư thủy lợi cho các vùng nuôi, nhất là vùng nuôi thủy sản nước mặn và nước lợ. Phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch. Củng cố và phát triển các tổ hợp tác cộng đồng. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn cho nông dân ứng dụng công nghệ sinh học vào lĩnh vực nuôi thuỷ sản, nhất là xây dựng các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ Biofloc, nuôi tôm hai giai đoạn nhằm hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh và hoá chất, nâng cao tỉ lệ sống, nâng cao sản lượng, ổn định môi trường, hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm nuôi sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để xâm nhập và mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Đối với nuôi tôm, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân chỉ nên nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh ở những vùng nuôi đủ điều kiện, bảo đảm an toàn không xảy ra dịch bệnh. Với các vùng nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh, nên chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến, kết hợp thả xen các đối tượng thủy sản khác như cá, cua... Đối với nuôi nước ngọt sẽ tiếp tục tăng cường công tác sản xuất các loại giống cá truyền thống tại các trại cá trong tỉnh, ương cá bột bảo đảm chất lượng; được kiểm dịch và quản lý nghiêm ngặt... tạo điều kiện phát triển thủy sản bền vững tại địa phương”, ông Huân cho biết thêm.

Lê An - Báo Quảng Trị

Các Tin Khác :